Hồi ức tuổi thơ của Cô gái “Trán Su Hào” miền núi Đất Ngọc.

Hồi ức tuổi thơ của Cô gái “trán su hào” miền núi đất ngọc.

Hồi ức tuổi thơ của Cô gái “trán su hào” miền núi đất ngọc.

Vào một ngày cuối hạ, năm gần đầu thập niên 90 khi những bông hoa rực rỡ sắc đỏ vẫn còn vương mình dưới nắng, một bé gái đã chào đời tại một bệnh viện huyện nhỏ xa xôi. Ông nội, người yêu sắc đỏ nồng nàn của mùa hè và có lẽ ông cũng tự hào của những viên đá ruby​, đã đặt tên cô theo một loài hoa mang sắc đỏ rực rỡ như chính những viên đá quý trời ban cho miền đất này.

Tôi lớn lên trong một gia đình tưởng như viên mãn. Bố tôi – một chàng trai trẻ tài giỏi, bén duyên với đá quý từ năm 17 tuổi, nhanh chóng tạo dựng được sự nghiệp và xây dựng gia đình ở tuổi 19. Mẹ tôi – thiếu nữ 18 tuổi xinh đẹp, dịu dàng. Tiền dư bạc dả, bố cô mua bán đá quý, tiền và đá quý chất đầy nhà, lãi hàng triệu mỗi ngày. Tuổi thơ tôi ngập tràn trong sắc màu của những viên đá quý, những buổi chiều bố trở về nhà với quà bánh, những món đồ xinh xắn, hôm thì hộp sữa hôm thì quần áo, rồi đủ mọi thứ đồ ăn đồ uống... Cuộc sống cứ thế trôi qua trong êm đềm hạnh phúc. Nhưng tình yêu cũng như rượu nó là thứ khiến con người ta lúc say rồi lại tỉnh. Hai năm trôi qua, người đàn ông mỗi chiều về bên gia đình giờ đây bắt đầu cuốn vào những thú vui ngoài kia. Những cuộc nhậu, những canh bạc kéo dài thâu đêm, những chuyến đi ngày càng dài hơn. Bóng dáng bố tôi trở về nhà thưa dần, từ mỗi ngày một lần, rồi một tuần vài ba lần, rồi chỉ còn lác đác tuần 1 lần. Lý do quen thuộc vẫn là: "Bận làm ăn".

Giữa những thay đổi ấy, một tin vui lại đến – mẹ tôi mang thai đứa con thứ hai, khi cô bé vừa chập chững lên ba. Tin tức ấy khiến bố tôi trở về nhà nhiều hơn, mang theo chút ấm áp còn sót lại của những ngày đầu hạnh phúc.

Chín tháng mười ngày trôi qua, khoảnh khắc quan trọng lại đến. Mẹ tôi chuyển dạ và được đưa đến Bệnh viện huyện – nơi chỉ cách nhà vài bước chân. Bố tôi hôm nay cũng có mặt, ông háo hức vì lại sắp có thêm một đứa con, các bác tôi cũng ở đó cùng mẹ, mọi người ai cũng vui và mong chờ em tôi. Tôi lúc đó, một cô bé ba tuổi vẫn ngồi trong nhà cùng ông nội, chỉ biết mọi người bảo mẹ đi sinh em bé, không hiểu rằng khoảnh khắc này có thể thay đổi mọi thứ trong cuộc đời mình... Ông kỳ vọng một cậu con trai sẽ ra đời. Đêm trước ngày sinh, ông khóa chặt cửa chuồng gà, dự phòng để dành ăn liên hoan. Nhưng khi biết tin "lại là con gái" – bầu không khí trở nên trầm lặng. Ông không một cái ngoảnh nhìn đứa con mới sinh, chỉ yên tĩnh quay về nhà, mở cửa chuồng gà, như thể giải tỏa nỗi thất vọng. Thay vì làm một bữa tiệc linh đình ăn mừng, ông đi mua cân thịt trâu, thêm vài chai rượu, rồi tụ tập cùng hội bạn buôn bán, vui chơi. Rượu vào, lời ra, những tiếng cười cười vang lên rôm rả. Nhưng khi bữa tiệc kết thúc, họ lại kéo nhau đi tiếp vào những cuộc vui không hồi kết. Từ đêm đó, những lần trở về nhà càng thưa thớt. Một tháng trôi qua, rồi hai tháng, bố vẫn mài mài chạy theo những cuộc vui ngoài kia: rượu chè, bi-a, cờ bạc, lô đề… Bóng dáng bố ngày càng nhạt nhạt trong những bữa cơm gia đình.

Và rồi cuộc sống thứ gì đến cũng đã đến, năm bố cô bé 27 tuổi đã trắng tay. Nhà không còn tiền, không còn đá quý – chỉ còn những người bạn cũ quay lại… đòi nợ. Hàng ngày nhà tôi quen thuộc bởi những vị khách của bố đến đòi nợ, khi không gặp được bố thì đòi mẹ tôi, với những tiếng mắng nhiếc, trách móc khó chịu, hết người này đến người khác.

Cuộc sống gia đình là những ngày cãi vã, bố vẫn rượu chè tối ngày rồi đêm về những trận chiến tranh, lúc đó tôi đã gần 7 tuổi còn em gái tôi lên 4. Một mảnh ký ức tuổi thơ trong tôi là hình ảnh lúc nửa đêm đông giật mình có ca nước lạnh tạt vào mặt tỉnh ngủ rồi 2 chị em rủ nhau chạy vội vã đi khi thì nương nhờ nhà ông bà nội, khi thì nhà các bác bên nội, lúc chạy sang nhà bác hàng xóm. Để bây giờ khi lớn lên mẹ tôi vẫn hay ôn lại kỷ niệm xưa sao mỗi lần cãi nhau, đánh nhau thời đó 2 đứa trẻ con này cậy cửa chạy nhanh thế, mà rõ người chúng nó bé mà cái ghế salon gỗ lý thì chèn của nặng chắc như thế chả biết chúng nó đẩy ra kiểu gì quanh đi quẩn lại không thấy đâu rồi, có những hôm dép của 2 đứa thì còn mà người chả thấy đâu.

Có lẽ bởi cú sốc phá sản đầu đời, áp lực nợ nần, cơm áo gạo tiền rồi vợ con nên bố tôi đã bị trầm cảm, và may thay mẹ tôi – người phụ nữ gầy gò nhưng kiên cường – đã cõng cả gia đình trên đôi vai gầy guộc. Khi bố trầm cảm vì phá sản, mẹ không bỏ rơi mà đi cùng bố vượt qua. Có ngày mẹ phải đi vay từng bát gạo nhà hàng xóm, lên rừng hái rau, bắt rắn, leo núi hái lá han mang xuống chợ bán lấy tiền, hôm thì đi phụ xây kiếm tiền…trang trải cuộc sống gia đình.

Sau gần 1 năm có mẹ và mọi người bên cạnh động viên, may mắn thay bố tôi cũng khỏi bệnh và quay lại cuộc sống bình thường. Nhưng lúc này không còn điều kiện như xưa nữa, bố mẹ tôi hàng ngày mang dần sàng đi bộ theo những con suối để mót từng cân đá vụn nhỏ trong đó có những viên cuội đen, đá cát trắng vàng lẫn cùng những viên ruby nhỏ mà người dân địa phương hay gọi là “sái” mang về nhà phơi khô rồi lọc nhặt lấy những viên đá ruby nhỏ đỏ au nơi đây mọi người hay gọi là “mắt tôm ruby, mắt tép ruby”- tôi sẽ dùng từ này trong suốt câu chuyện. Mắt tôm ruby được bán theo lạng, mỗi lạng lúc đó được khoảng 100.000đ để làm tranh đá quý.

Để ra được 1 lạng mắt tôm ruby thì cũng mất công bố mẹ cô bé đi làm 1 ngày, dù những ngày hè nóng bức, hay ngày đông giá rét mẹ khi ăn cơm xong mẹ lại tranh thủ ngồi trên chiếc ghế gỗ nhỏ dải từng nắm sái trên chiếc mặt bàn gỗ đóng đã cũ ríc mà trước đây mấy mẹ con hay ngồi để ăn cơm, nhặt lọc từng viên mắt tôm trong đống sái đá hỗn độn dưới chiếc bóng đèn chụp sợi đốt ngày xưa soi sáng có những đêm đến 1h sáng khi đã mệt mẹ mới tắt đèn đi ngủ. Rồi sớm mai lúc sáng sớm tinh mơ gà gáy mẹ đã dậy chuẩn bị cơm nắm muối vừng có hôm kèm ít rau xanh để bố, mẹ lại lên đường leo núi đi vào rừng tìm những ổ đất sỏi trong lòng đất, có khi là dưới dòng suối có mắt tôm, mắt tép ruby mang về để nuôi chị em tôi ăn học và lớn lên.

Tuy rằng hoàn cảnh cuộc sống gia đình có những lúc tôi cảm thấy thoáng buồn lúc bố mẹ chiến tranh, nhưng bạn biết đó với tâm hồn của trẻ con, cái nỗi buồn chỉ tồn tại trong vài phút rồi lại quên ngay, lâu rồi chị em tôi cũng thành quen thuộc, lạc quan nghĩ đó là chuyện xảy ra thường ngày. Nhưng lạ thay tuổi thơ trong tôi luôn cảm thấy đủ đầy, vui vẻ bởi mỗi khi nhà có chuyện là chị em tôi lại chạy đi khỏi nhà luôn, hôm thì chạy xuống ông bà nội, hôm thì chạy sang nhà các bác họ hàng, anh, em hàng xóm xung quanh để xin bữa cơm ăn rồi đi chơi, đi học…

Đến bây giờ khi chị em tôi đã lớn thi thoảng về nhà bố mẹ bác hàng xóm sát vách vẫn nói đùa cô em gái tôi rằng:

Hồi xưa khi nó còn bé, bữa trưa mình vừa bê mâm lên thì nó đã ngồi vào mâm khoanh chân, khoanh tay chễm chệ “Cháu mời bác bá ăn cơm” trong khi đó mình vừa bước đến cái chiếu. Thế mà bây giờ đã tay dắt mấy đứa con rồi, nhanh thật.

Rồi bác chẹp lưỡi cười khoái chí.

Hay khi tôi thì bác dâu vẫn hay đùa:

 Hồi xưa mày ăn nhà tao, ngủ nhà tao, lôi hết quần áo của tao ra mặc vứt linh tinh đến khi đi tìm quần áo đi tắm chả biết chúng mày vứt đâu hết.

Xong cười phớ lớ!

Mặc dù cứ lang thang nương tựa mỗi nhà trong xóm một ít, nhưng bạn biết đấy trẻ con thì vô tư không suy tính gì, tôi hay được anh, chị, em trong xóm gọi là “ớt” có lẽ bởi cái tính thẳng thắn, đanh đá, ương bướng,… Mọi người hay cười bảo nhìn cái mặt đã thấy ương, cái trán rô kìa. Trẻ con hàng xóm không phải đứa nào cũng chơi với tôi. Không thích đứa nào đấy là tôi sẽ trêu trọc hoặc đánh cho nó khóc chạy đi mới thôi, bởi tôi biết tôi có các anh, chị con nhà bác trên bố tôi bảo vệ mình, nên mình không sợ đứa nào hết.

Thi thoảng khi tôi lớn mẹ hay vừa cười vừa nhắc lại câu chuyện:

Khi tôi lên lớp 3 trên đường đi học về thấy đứa lớp 5 đi qua ghẹo mình, tôi ngay lập tức xông vào túm tóc rằng qua, xé lại, nhưng bởi vì mình bé hơn nên vật thua nó xong cái đầu bù xù, quần áo xộc xệch lấm lem đất cát- bởi con đường tôi đi học khi đó là đường đất đỏ, về nhà ngồi hậm hực khóc cả tiếng. Nghĩ không xong tôi hậm hực chạy qua nhà các bác cả và bác tư tìm 1 anh lớp 4, 1 anh lớp 5 đến chiều mấy anh em hẹn nhau đi bộ đến nhà đứa sáng mới bắt nạt tôi rồi gọi nó ra dọa, rồi bạn biết kết quả rồi đó, lần sau mỗi lần đứa đó nhìn thấy tôi là sợ lảng đi chỗ khác ngay.

Tôi ngang ngược đến mức gặp người lớn trong làng xóm, những người tôi không thích thì không chào vậy thôi.

Rồi có lần bác hàng xóm mới chuyển đến biết mọi người kể mình đanh đá nên thích trêu, thi thoảng gặp tôi đi học qua trước cổng vào buổi sáng thì cười trêu bảo “mày đi nhanh nhanh lên, để tao còn đi làm nào, không gặp mày con gái đen cả ngày”. Tôi gườm mắt không nói gì đứng lại chỉ nhổ phì “bãi nước bọt trước cổng nhà bác” rồi lườm một cái rồi bước đi tiếp.

Ra ngoài như thế nào thì ở nhà tôi cũng vậy, mẹ bảo làm việc gì thích tôi mới làm không thì lại chạy đi chơi nên tuổi thơ tôi nhớ là những trận đòn roi chạy quanh nhà, lúc thì mẹ cầm bó đuốc đuổi chạy khắp xóm để đọa tôi, khi đang ngồi mẹ nói không nghe thì lại ăn ngay cái cặp gác bếp…

Hàng xóm cũng hay cười nói bảo với bố mẹ tôi rằng:

Con nhà mày sao nó đanh đá thế?

Mẹ chỉ cười bảo em cho ăn đòn suốt mà chưa chừa tính ngang bướng.

Đến mức khi tôi ra thăm ông bà ngoại, câu nói tôi ấn tượng nhất lúc bà còn khỏe là:

Mẹ mày sao nó ác thế, nó suốt ngày đánh chị em mày thôi, cứ vớ được cái gì là đánh cái đó.

Mỗi lần ra thăm bà ngoại là tôi lại bi bô như con vẹt kể xoen xoét ngồi nói hết chuyện này đến chuyện kia, kể cho bà nghe từ chiều đến tối cháu ở nhà những ngày vừa rồi ăn ở như thế nào, hay gia đình bố mẹ ra sao. Những câu chuyện dài từ chiều đến tối nhưng bà vẫn chăm chú nghe và thi thoảng hỏi chi tiết. Nhưng bây giờ bà đã yếu, bà không đủ sức để nghe những câu chuyện tôi kể nữa rồi.

Có mỗi bà ngoại là luôn lắng nghe và ân cần với tôi, còn các cậu với dì cùng anh, chị, em họ ngoại cùng trang lứa với tôi biết tôi ngang bướng, đanh đá, lại hay dỗi nên mỗi lần thấy tôi ra lại xúm vào trêu hết chuyện này đến chuyện kia mà lâu rồi tôi cũng không còn nhớ rõ từng câu chuyện, chỉ ấn tượng mọi người hay trêu “Bố tôi đi với bà khác rồi không ở với mẹ con mày nữa đâu” tôi nói lại không được, tức quá chửi bậy, chửi mệt không nói vẫn tiếp tục trêu tôi khóc rồi bực mình chửi: “Méo chơi với chúng mày nữa tao đi về nhà tao”.

Đến bây giờ mỗi lần gặp tôi dì lại cười đùa nói:

Hồi bé nó ghê thật, mọi người trêu nó cãi, xong chửi không nổi, xong tức không làm gì được nó một mình chạy có hôm không có dép nó chạy chân đất chạy đường đồi mình đuổi theo có lúc hàng hơn km mới bắt được nó.

Mình vào nhà nó ở nó bảo vào đây làm gì? Có mang gì vào đây không mà đòi ở.

Nhà tôi ở thị trấn gần trường học cấp 3, còn nhà bà ngoại ở trong làng xã cách nhà tôi 15km. Khi dì tôi học cấp 3 vì đường xá xa xôi, lại đi học hàng ngày nên dì ở nhà tôi.

Thế nhưng không phải bé mà tôi được đi chơi thoải mái như các bạn nhỏ nơi khác đâu.

 Mẹ vẫn bảo chị em tôi lớn rồi, biết cầm đũa là làm việc được rồi, bố mẹ vất vả đi làm nuôi 2 chị em ăn học thì các con ở nhà cũng phải giúp bố mẹ, sáng đi học chiều về nhặt mắt tôm ruby. Thi thoảng có những hôm trời mưa hoặc đi làm vài ngày mệt quá bố mẹ lại nghỉ 1 ngày ở nhà, mẹ nhặt thử trong 1 ngày mẹ nhặt được 1lạng= 100g, thì thứ 7, chủ nhật được nghỉ mỗi đứa nhặt được 8hoa=80g (đó là những lô mắt tôm to). Còn mắt tôm nhỏ mẹ cũng nhặt thử ước lượng rồi giao cho chị em chúng tôi theo ngày.

 Không lý do, đứa nào không hoàn thành thì chiều về ăn roi.

Bởi nhà tôi ở nằm ngay gần khu mà mọi người xung quanh nhà hay gọi với cái tên quen thuộc là “địa chất” vài bước chân đi bộ là tới- vì nơi đây chính là nơi những đoàn địa chất ở các nơi về khai thác đá quý từ những năm cuối thập kỷ 80. Nên bà con hàng xóm, già trẻ, lớn bé, gái trai đều ở nhà nhặt những viên mắt tôm ruby, cả xóm vài nhà tụ tập nhau cùng ngồi xếp mỗi người một cái bàn, 1 cái ghế, xưa là nhúp tay nhặt từng viên đá mắt tôm ruby mòn hết móng tay, sau này mọi người đã biết chế tác ra nhíp tre gắp đá.

Các anh, chị, em họ nội cùng trang lứa hay đi học, đi chơi cùng nhau, tụ tập làm việc cùng nhau vì bố mẹ đứa nào cũng giao nhiệm vụ cho mỗi ngày ngoài giờ đi học, vừa ngồi tay mắt thì vẫn nhanh nhảu ngoáy nhặt những viên mắt tốm, mồm thì đứa nào cũng rôm rả buôn chuyện trên giời dưới biển, khi thì nói chuyện chán quá quay ra thi giải câu đố, lúc thì thi tìm câu hát có chứa từ gì đó ví dụ như từ “anh” có bài hát nào, chia 2 đội hát thay nhau.

Có những lúc chơi chán quay ra trêu nhau cãi nhau rồi giận nhau, đứa mạnh mẽ dỗ đứa yếu đuối rồi lại thôi xí xóa.

 Nên mỗi lần khi đi ra khỏi nhà tôi cũng phải tính toán căn thử sẽ mang bao nhiêu cân sái đi để lọc mắt tôm ruby cho đủ số mẹ giao cho mỗi ngày, chứ không được tung tăng chạy đi chơi cả ngày như lúc trước nữa.

Lúc chị em tôi nhỏ, mẹ gửi tôi ở nhà với ông bà nội, khi chị em tôi đã biết hơn chút thì ngoài thời gian đi học, ban ngày ở nhà làm việc nhà: rửa bát, quét nhà, giặt quần áo, nấu cám chăn lợn, gà,…

 Với những ngày bố mẹ không đi núi tìm đá quý, chị em tôi được mẹ đưa ra ruộng đỡ mẹ trồng rau, chăm lúa…Hái rau mang ra chợ bán, có những khi tôi đi một mình buồn lại rủ thêm chị, em hàng xóm cùng đi chơi.

Khi tôi lớn hơn chút nhờ sự nỗ lực của cả gia đình bố mẹ tôi đã gom góp mua được một trang trại nhỏ ven thị trấn để chăn nuôi, mót đá quý phát triển kinh tế, ban đầu bố mẹ đi 2-3 hôm về 1 lần, nhưng sau vì đường đi khó khăn mà cũng yên tâm vì chị em tôi ngày một lớn tự biết nấu ăn, tắm giặt lo cho bản thân thì bố mẹ đi những chuyến dài ngày hơn. Có khi là cả tuần không về, trên trang trại hết đồ ăn, đồ sinh hoạt bố mẹ nhờ hàng xóm gần trang trại về qua nhắn chị em tôi chuẩn bị đồ mang lên tiếp tế cho bố mẹ với list đồ ghi trong mảnh giấy nhỏ. Sáng hôm sau 6h chị em tôi hối hả chuẩn bị những thứ bố mẹ ghi trong giấy cho vào chiếc bao tải cũ buộc cũng chiếc quần cũ thành 1 cái gùi, mỗi đứa 1 cái như vậy, rồi chia nhau đồ gùi mang lên tiếp tế bố mẹ, khi thì vài kg gạo, cân cá mắm, cân thịt, chai rượu, chai nước mắm, gói bột canh, pin đèn,...Đoạn đường núi đá tai mèo, lúc đó chị em tôi bé nhưng gùi bao tải cồng kềnh nhiều lúc nhìn cứ như đang úp cái mai con rùa trên lưng. Lên đến nơi cũng đã gần 11h, có những hôm trời nắng chói trang nhưng tôi cũng chẳng màng vì đam mê đá quý nên cứ lang thang theo các bãi đất đá mà mọi người đã rửa và bới để bới lại tìm đá quý. Thi thoảng gặp may lại nhặt được viên bán được vài trăm nghìn nên lúc nào chị em tôi cũng thích được bố mẹ gọi để được lên trang trại chơi, được đi bới đất đá.

Bạn đang xem: Hồi ức tuổi thơ của Cô gái “Trán Su Hào” miền núi Đất Ngọc.
Bài sau
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

popup

Số lượng:

Tổng tiền: