-
- Tổng tiền thanh toán:

KÝ ỨC BÊN ÔNG NỘI- KHOẢNG TRỜI TUỔI THƠ CỦA CÔ GÁI TRÁN SU HÀO MIỀN ĐẤT NGỌC
Bởi bố mẹ tôi có những chuyến đi dài ngày như vậy, nên vài hôm ông nội tôi lên ngó qua nhà xem, ngày bố mẹ đi vắng các cháu ăn ở thế nào rồi ông lại về. Thi thoảng ông chống gậy lên chơi sẵn hôm bố mẹ tôi ở nhà rảnh mời ông ở lại ăn cơm nhưng phải khéo mời thêm từ “uống rượu” thì ông mới ở lại, nhà nuôi được con gà nhặt cơm nguội vui vẻ thịt mời ông ở lại ăn cơm, gia đình mỗi người một việc mẹ mổ gà. Chị em tôi háo hức vì được ăn thịt gà, mẹ sai gì làm đấy ngay, chứ không đùn đẩy rồi lý sự với mẹ như mọi ngày…Những bữa cơm gia đình có ông nội chị em tôi được học rất nhiều cách ngồi xuống chiếu khoảng cách với mặt mâm cơm, khoanh tay mời từ người già đến người trẻ, ai trước ai sau, cách cầm bát, cầm đũa thế nào cho đúng, cách gắp đồ ăn, cách đặt lại muôi khi múc canh…
Cho đến bây giờ khi có khách đến nhà mà trong bữa ăn có mặt 2 chị em tôi, bố vẫn luôn tự hào hồi xưa 2 đứa nhà em được ông nội chúng nó dạy bảo kỹ lắm, từng li, từng tí từ phong cách ăn uống hàng ngày, đến cách ngồi, đứng, đi, ăn nói như thế nào. Bởi vì xưa thời loạn lạc ông đi làm con nuôi nhà địa chủ từ nhỏ, lớn lên ông đi làm bộ đội kháng chiến lái xe nên mọi thứ rất chỉn chu và có đôi lúc khắt khe, tính ông thì thẳng như “ruột ngựa”. Rồi bố lại nói tôi giống ông ở cái dáng người thấp thêm cái tính nết cũng thấy giống nhiều.
"Nhà lá đơn sơ, tấm lòng rộng mở
Nồi cơm nấu dở, bát nước chè xanh
Ngồi vui kể chuyện, tâm tình bên nhau.,,
Đây là câu thơ ông nội tôi hay ngân nga mỗi khi ông đã quá chén. Có lẽ từ khi tôi biết nhận thức được mọi việc cho đến tận bây giờ câu thơ này là một mảnh ghép trong cuộc đời tôi.
Ông nội tôi nổi tiếng trong vùng là một người nghiện rượu, luôn khắt khe với vợ con, nhưng với đàn cháu nội thì ông lại khác. Tôi bỗng nhớ lại những ngày anh, chị, em họ nội chúng tôi cùng trang lứa sinh cùng trong thập niên 90 tôi lớp 2 các anh, chị lớp 3,4,5 cũng gần chục đứa cháu nội của ông. Những ngày cả lũ ngồi cùng dưới mái hiên nhà thi nhau nhặt những viên mắt tôm ruby để còn kịp xong sớm để cùng nhau chơi, hôm thì lấy than bếp chơi ô ăn quan, hôm thì rủ nhau đi ngoáy nền nhà đất tìm con cút kít, lúc ra ruộng tìm những nhánh cây bã trầu trổ cụm mà chúng tôi hay gọi là trò chơi “chọi gà”, rồng rắn lên mây, đánh quay, trốn tìm, đánh bài…Đủ các thứ trò mà đến giờ tôi cũng không nhớ hết nổi vì vài ngày đứa nào trong hội học ở trên lớp hay chỗ khác về lại dạy nhau chơi. Nhưng hôm nào có ông nội chống gậy lên chơi là chúng tôi bỏ luôn mấy trò đang chơi, cả đàn cháu ngồi xúm lại vây quanh ông nghe ông kể những câu chuyện hồi xửa hồi xưa: chuyện ông còn nhỏ ông đã trải qua, ông đi bộ đội, những câu chuyện cổ tích, dân gian ông biết được, ông gặp bà như thế nào,…Có những hôm đàn cháu nghe ông kể hấp dẫn quá nên bỏ luôn cái bàn đang nhặt dở dang những viên mắt tôm ruby xúm lại gần sát vây quanh ông để được nghe rõ từng từ ông nói,…Ông kể xong câu chuyện rồi ông trầm tư một lúc, chúng tôi khi thì có đứa lại đòi:
Ông kể nữa đi cháu muốn nghe tiếp.
Khi thì:
Tại sao chỗ này lại như vậy ông?
Sao lại như thế được ông nhỉ?
Sao người đó lại làm như thế này mà không phải là thế kia?
Trong đó có tôi là đứa hay hỏi nhiều nhất, đến khi “Ông bực mình bảo mày hỏi gì mà hỏi đến củ tỉ long vương, đến bố tao cũng không trả lời cho mày được” thì tôi mới thôi.
Rồi những hôm ông kể xong câu chuyện đi về theo đường, ông qua nhà bác dâu tôi vô tình gặp được ông vừa đi vừa lẩm bẩm chửi tôi hỏi nhiều hết cái này đến cái kia. Bác tôi thấy vậy liền hỏi:
Ông đang chửi ai đấy?
Ông bực mình đáp:
Con Phượng chứ ai, kể chuyện cho nghe mà nói hỏi nhiều đến cả củ tỉ long vương.
Cho đến giờ thi thoảng tôi về bác vẫn hay nhắc lại hồi xưa có tôi lắm điều nhất, ông kể chuyện cho nghe mà suốt ngày đòi: sao nữa ông, ông kể cho cháu nghe tiếp đi ông, tại sao lại thế này? sao lại thế ông nhỉ?
Rồi trong 2 năm tiếp theo những lần ông chống gậy đi qua nhà con cháu chơi ngày càng ít bởi ông bị căn bệnh Gout, ông nội tôi là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam mắc căn bệnh đó không có thuốc chữa nên càng ngày ngón chân cái của ông càng bị hủy hoại. Ông vượt qua cơn đau bằng những liều thuốc Paracetamol và những chai rượu. Bởi vì căn bệnh của ông không có thuốc chữa, điều kiện lúc đó khó khăn hơn bây giờ nên ông đã rời xa chúng tôi mãi mãi. Tôi còn nhớ như in ngày hôm đó khi tôi đang đứng trên sân trường đất đỏ, dưới ngọn cờ được cắm trên cột đổ bê tông và thanh thép đỡ trong buổi chào cờ ngày thứ 2 đầu tuần bỗng dưng 1 tiếng gọi:
Phượng ơi! Xin nghỉ học về đi, ông nội mày mất rồi.
Nghe xong câu đó tôi bỗng bủn rủn cả chân tay, 2 mắt đỏ hoe xin cô nghỉ khoác cặp chạy về, nhà bác cả cũng ở gần nhà tôi tuy chỉ cách trường khoảng 300-400m gì đó, mà hôm đó tôi cảm giác chạy như cả vài cây số. Lúc chạy đến cổng nhà bác tôi gặp bố tôi mắt đỏ bảo tôi 1 câu:
Ông mất rồi con vào với ông đi, chỉ được gần ông chiều nay với mai nữa thôi là không được gặp ông nữa rồi.
Cảm giác mất mát này lần đầu tiên trong đời tôi có lẽ sẽ không bao giờ quên.
Đến giờ tuy đã nhiều năm xa quê vì học hành vì công việc, cuộc sống gia đình riêng nhưng tôi vẫn nhớ như in ngày giỗ ông nội tôi là ngày 13 tháng 3 (âm lịch) hàng năm.
Tuy rằng ông đã đi xa nhưng đàn cháu nội vẫn còn đó, chúng tôi vẫn hàng ngày ăn học, lớn lên và ngồi nhặt đá ruby mắt tôm cùng nhau. Thi thoảng trong câu chuyện của chúng tôi lại là ngồi tâm sự lại những lần ông kể chuyện, thương ông vì những đau đớn ông phải trải qua mà lúc đó bọn mình còn bé có lúc không hiểu chuyện, nếu thời gian quay trở lại thì tốt biết mấy, anh, chị, em mình sẽ chăm chỉ giúp việc ông, chăm sóc ông nhiều hơn, biết ơn ông vì ông dạy dỗ chúng mình thứ này thứ kia, ông nghiêm khắc, ông thẳng thắn chính trực nhưng đôi lúc cũng rất vui vẻ hài hước.
Tôi hiểu một điều trong ký ức tuổi thơ của anh, chị, em chúng tôi đứa nào cũng sẽ có một góc tuổi thơ với ông nội.